Ở phần 1 của bài viết, chúng ta đã được tìm hiểu về các giai đoạn trong 1 dự án đầu tư xây dựng và 1 số công việc cần làm trong từng giai đoạn, ở phần 2 dưới đây, trước khi đi sâu vào những vấn đề chuyên môn trong dự toán, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự phát triển về chi phí trong dự án đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn.
Trước hết, khái niệm “Chi phí đầu tư xây dụng công trình” của dự án là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dụng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng công trình xây dựng. Chi phí đầu tư xây dựng công trình được biểu thị qua chỉ tiêu tổng mức đầu tư của dự án ở giai đoạn lập dự án đầu tư xây dụng công trình; dự toán xây dựng công trình ở giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; giá trị thanh toán, quyết toán vốn đầu tư khi kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Mỗi giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng công trình của dự án thì chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình xuất hiện ở những thành phần và tên gọi khác nhau tùy thuộc chức năng của nó.
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư
Chi phí xây dựng công trình ở giai đoạn này được biểu thị bằng tổng mức đầu tư.
Tổng mức đầu tư xây dựng công trình (sau đây gọi là tổng mức đầu tư) là chi phí dự tính của dự án. Tổng mức đầu tư là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình.
Tổng mức đầu tư bao gồm: Chi phí xây dựng; Chi phí thiết bị; Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Chi phí quản lý dự án; Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; Chi phí khác và chi phí dự phòng.
Giai đoạn thực hiện dự án
a) Trong giai đoạn thiết kế
Chi phí xây dựng trên cơ sở hồ sơ thiết kế với các bước thiết kế phù hợp với cấp, loại công trình là dự toán công trình, dự toán hạng mục công trình.
Dự toán công trình bao gồm:
Chi phí xây dựng;
Chi phí thiết bị;
Chi phí quản lý dự án;
Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng;
Chi phí khác
và Chi phí dự phòng của công trình.
b) Trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu
Trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu chi phí xây dựng được biểu thị bằng:
– Giá gói thầu: Là giá trị gói thầu được xác định trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán, dự toán được duyệt và các quy định hiện hành.
– Giá dự thầu: Là giá do nhà thầu nêu trong đơn dự thầu thuộc hồ sơ dự thầu. Trường hợp nhà thầu có thư giảm giá thì giá dự thầu là giá sau giảm giá.
– Giá đề nghị trúng thầu: Là giá do bên mời thầu đề nghị trên cơ sở giá dự thầu của nhà thầu được lựa chọn trúng thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh các sai lệch theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
– Giá trúng thầu: Là giá được phê duyệt trong kết quả lựa chọn nhà thầu làm cơ sở để thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
– Giá ký hợp đồng: Là khoản kinh phí bên giao thầu trả cho bên nhận thầu để thực hiện khối lượng công việc theo yêu cầu về tiến độ, chất lượng và các yêu cầu khác quy định trong hợp đồng xây dựng. Tuỳ theo đặc điểm, tính chất của công trình xây dựng các bên tham gia ký kết hợp đồng phải thoả thuận giá hợp đồng xây dựng theo một trong các hình thức sau đây: Giá hợp đồng trọn gói; Giá hợp đồng theo đơn giá cố định; Giá hợp đồng theo giá điều chỉnh; Giá hợp đồng kết hợp.
Giai đoạn kết thúc dự án
Khi hoàn thành dự án, bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng và kết thúc xây dựng, chi phí xây dựng được biểu hiện bằng:
– Giá thanh toán, giá quyết toán hợp đồng;
– Thanh toán, quyết toán vốn đầu tư.
Ghi chú:
Các dữ liệu chủ yếu hình thành chi phí xây dựng công trình.
Tuỳ theo quá trình hình thành chi phí xây dựng nêu trên đòi hỏi phải có các dữ liệu cần thiết phục vụ việc xác định chi phí xây dựng này. Các dữ liệu để hình thành chi phí xây dựng công trình gồm:
– Tổng mức đầu tư của dự án;
– Định mức, đơn giá xây dựng công trình;
– Khối lượng của công trình xây dựng;
– Dự toán xây dựng công trình;
– Giá gói thầu, giá hợp đồng xây dựng;
– Thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Phần 3 (tiếp theo) của bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về nội dung của Tổng mức đầu tư
Biên tập: Dương Duy Hưng