Ngày 18/4/2017 tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Hội Tin học xây dựng Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng mô hình thông tin công trình trong quản lý hạ tầng kỹ thuật”. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ có xây dựng chuyên ngành, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, các doanh nghiệp công nghệ và các thành viên của Hội tin học xây dựng Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tạ Quang Vinh – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết, trong Đề án tái cơ cấu ngành xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra giải pháp ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM). Đây là một phương pháp để tối ưu hóa quá trình thiết kế, thi công và vận hành của công trình xây dựng. Về cơ bản, BIM được hình thành bởi một mô hình 3D trên máy tính và có thể được nâng cấp bằng cách thêm thông tin như thời gian, chi phí, sử dụng. BIM cho phép tạo lập công trình ảo trước khi triển khai xây dựng công trình trên thực tế. Bằng cách này, có thể xem xét trước và đánh giá hiệu quả của dự án.
Theo ông Tạ Quang Vinh, xây dựng và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị dựa trên nền tảng công nghệ là xu hướng tất yếu. Việc ứng dụng BIM trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị là yếu tố quan trọng để hình thành thành phố thông minh – nơi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông của chính quyền đóng vai trò trung tâm, đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội. Đề án ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/12/2016 tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên tại Quyết định số 204/QĐ-BXD. Tuy vậy, trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm để việc ứng dụng BIM trở nên phổ biến, như tuyên truyền, quảng bá, đào tạo nhân lực, xây dựng tiêu chuẩn, quy phạm, hướng dẫn về BIM, xây dựng quy trình ứng dụng…Do vậy, việc ứng dụng BIM trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị tại Việt Nam đòi hỏi quá trình nghiên cứu và thảo luận nhiều hơn nữa và cần có lộ trình thực hiện.
Tại các tham luận đã giới thiệu cho các đại biểu tham dự những thông tin tổng quát về mô hình BIM cũng như những ứng dụng của BIM trong hoạt động thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành dự án, công trình; những yếu tố cơ sở hạ tầng nền tảng để ứng dụng BIM; các phần mềm cho việc thực hiện BIM và một số ví dụ dự án hạ tầng kỹ thuật đã ứng dụng mô hình BIM.
Các tham luận cũng cho thấy, tiềm năng ứng dụng BIM trong quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị là rất lớn, tuy nhiên cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố về sự lãnh đạo, chỉ đạo, đào tạo nguồn nhân lực, sự thay đổi tư duy của cán bộ quản lý và kỹ thuật, xây dựng các chuẩn trao đổi thông tin…