CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ VIỆC SẢN XUẤT/CHẾ TẠO THEO CÔNG NGHỆ BỒI ĐẮP (IN 3D)

Vào ngày 14 tháng 11, sự kiện “Sự sẵn sàng của các doanh nghiệp đối với nền công nghiệp 4.0 và việc sản xuất/chế tạo theo công nghệ bồi đắp (in 3D)” đã diễn ra tại Trường Đại học Xây dựng. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh – Việt Nam, được phối hợp tổ chức bởi Trường Đại học Xây dựng, Viện Quản lý Đầu tư Xây dựng và Đại học Tổng hợp Manchester Metropolitan (Vương quốc Anh).
Phát biểu mở đầu sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Thế Quân, Phó trưởng Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng, Viện trưởng Viện Quản lý Đầu tư Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng nêu lên thực trạng của các doanh nghiệp khi bước vào Thời đại Công nghiệp 4.0 hiện nay. Các công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 hứa hẹn mang đến những thay đổi to lớn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam đang rất thiếu hụt nhân lực trình độ cao, đặc biệt về khía cạnh các công nghệ đột phá đã và đang xuất hiện gần đây.

PGS.TS.Nguyễn Thế Quân, Phó Trưởng khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng, Viện trưởng Viện Quản lý Đầu tư Xây dựng phát biểu tại sự kiện
Sự kiện có sự tham gia của hai chuyên gia tới từ Đại học Tổng hợp Manchester Metropolitan: TS. Eric Lou và TS. Christopher Johnson. Chia sẻ tại sự kiện, hai chuyên gia đã trình bày về Công nghiệp 4.0 hiện nay, cụ thể là các công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế như In 3D, Quét 3D, Trí tuệ Nhân tạo, Machine Learning, công nghệ chuỗi khối (Blockchain)… Trong đó, hai chuyên gia nhấn mạnh về sự đột phá và khả năng thúc đẩy sự thay đổi trong tương lai của công nghệ sản xuất bồi đắp (additive manufacturing).

Sự kiện còn bao gồm phần trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp về vấn đề tuyển dụng nhân sự: khoảng trống kỹ năng của sinh viên mới ra trường và đâu là những kỹ năng cần bổ sung để đảm bảo có thể nắm bắt và ứng dụng các công nghệ 4.0 vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Kết hợp cũng với các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, các chuyên gia MMU và Đại học Xây dựng sẽ phối hợp đề xuất một lộ trình số hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi từ nền Công nghiệp 3.0 sang Công nghiệp 4.0.

Phần thảo luận giữa các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tại sự kiện

Sự kiện hy vọng đã góp phần thúc đẩy kết nối giữa các cơ cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài nước với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc hợp tác và chuyển giao công nghệ đột phá trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay.