Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng cách đây hàng nghìn năm TCN nhưng vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nắm giữ những ý nghĩa lịch sử quan trọng của nhân loại.
Hang động Theopetra, Meteora, Greece: Hang động ở Theopetra, nằm gần các tu viện nổi tiếng ở Meteora, là một địa điểm khảo cổ rất độc đáo, có bằng chứng về sự sống của con người cách đây 130.000 năm. Trước cửa hang động là một bức tường 23.000 năm tuổi, được coi là cấu trúc nhân tạo lâu đời nhất trên trái đất.
Ảnh: CNN.
Gobekli Tepe, Thổ Nhỹ Kỳ: Gobekli Tepe là một quần thể kiến trúc cổ đại nằm trên đỉnh một dãy núi phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, được đoàn khảo sát khảo cổ của Đại học Istanbul và Đại học Chicago phát hiện năm 1964. Các nhà khảo cổ xác định quần thể được xây dựng khoảng 9.000 năm TCN bằng những công cụ thô sơ. Gobekli Tepe được biết đến là địa điểm của công trình tôn giáo nhân tạo lâu đời nhất thế giới.
Ảnh: Sciencevibe.
Barnenez, Pháp: Cairn of Barnenez là một di tích hầm mộ thời kỳ đồ đá mới ở gần Plouezoc’h, trên bán đảo Kernéléhen ở phía bắc Finistère, Brittany, Pháp. Công trình có niên đại vào khoảng đầu những năm 4.800 TCN và được coi là đại diện tiêu biểu của nghệ thuật megalithic. Hầm mộ Barnenez dài 72 m, rộng 25 m và cao hơn 8 m, có 11 phòng và được xây dựng bằng 13.000 đến 14.000 tấn đá.
Ảnh: Megalithic.
Monte d’Accoddi, Sardinia, Italy: Monte d ‘Accoddi là một địa điểm khảo cổ được phát hiện năm 1954 ở Sassari, phía bắc Sardinia, Italy và được gọi là kim tự tháp bậc thang của Italy. Các phần cổ nhất của khu vực này có niên đại từ 4.000 đến 3650 TCN, và các nhà sử học cho rằng đó là một bàn thờ hoặc một ngôi đền. Monte d ‘Accoddi được đánh giá là đại diện tiêu biểu nhất về thời tiền sử của Sardinia.
Ảnh: Lanuovasardegna.
Ggantija, Malta: Ggantija có niên đại khoảng 5.500 năm trước trên đảo Gozo và là những đền thờ đầu tiên ở Malta. Công trình gồm 2 ngôi đền bằng đá được xây dựng từ khoảng những năm 3600 đến 3200 TCN. Ggantija có những kiến trúc đá lâu đời nhất thế giới, lớn hơn cả kim tự tháp của Ai Cập, nằm trên diện tích hơn 3.000 ha, và được Unesco công nhận là di sản thế giới.
Ảnh: Worldatlas.
Theo Zingnews