Sử dụng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực

1. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực là gì?

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực là một tổ chức được thành lập bởi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đại diện có thẩm quyền của Doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện công tác quản lý một số dự án thuộc cùng một chuyên ngành, tuyến công trình hoặc trên cùng một địa bàn.

2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực có những đặc điểm gì?
– Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập là tổ chức sự nghiệp công lập.
– Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước thành lập là tổ chức thành viên của doanh nghiệp.
– Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực có tư cách pháp nhân đầy đủ, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định.
– Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ đầu tư và trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện các dự án được giao.
– Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực chịu trách nhiệm trước pháp luật và Người quyết định đầu tư về các hoạt động của mình.
– Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn thành khi được Người quyết định đầu tư giao.
3. Công tác tổ chức Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực ở từng cấp quản lý ra sao?
Đối với các Bộ, Cơ quan ngang Bộ: Bộ trưởng, Thủ trưởng các Cơ quan ngang cấp Bộ thành lập các Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực phù hợp với các chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý hoặc theo yêu cầu về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng tại các vùng, khu vực. Việc tổ chức các Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng các Bộ này xem xét, quyết định để phù hợp với yêu cầu đặc thù trong quản lý ngành, lĩnh vực;
Đối với cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương: Chủ Tịch UBND cấp Tỉnh thành lập các Ban sau để thực hiện công tác quản lý dự án (thuộc quản lý của cấp Tỉnh) trên địa bàn Tỉnh:

  • Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp;
  • Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông;
  • Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
  • Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu công nghiệp, Ban quản lý dự án phát triển đô thị (Chỉ áp dụng cho Thành phố trực thuộc TW).

Đối với cấp Quận, Huyện: Chủ tịch UBND quận, huyện thành lập “Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc” thực hiện vai trò Chủ đầu tư và quản lý các dự án do UBND cấp quận, huyện quyết định đầu tư xây dựng (các dự án thuộc cấp quản lý của UBND quận, huyện)
⇒ Như vậy, ở cấp quận, huyện, chỉ có một đơn vị đầu mối là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng do Chủ tịch UBND quận, huyện thành lập thực hiện công tác quản lý dự án các dự án (thuộc phạm vi quản lý của quận, huyện) trên địa bàn toàn quận, huyện.
Đối với cấp Xã, Phường, Thị trấn: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện vai trò của Chủ đầu tư đồng thời thuê Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của cấp huyện hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên nghành, khu vực khác được thành lập theo quy định, đủ điều kiện năng lực để thực hiện công tác quản lý dự án.
Đối với Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước: Người đại diện, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước thành lập các Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị hoặc theo các khu vực, địa bàn đã được xác định là những khu vực trọng điểm đầu tư xây dựng.
4. Một Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực gồm các bộ phận nào?
Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực được tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, số lượng, quy mô các dự án cần phải quản lý. Về cơ bản, một ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực gồm các bộ phận cơ bản sau:
– Ban giám đốc;
– Các giám đốc quản lý dự án;
– Các bộ phận trực thuộc khác.
5. Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên nghành, khu vực?
Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do Người quyết định thành lập phê duyệt, trong đó phải quy định rõ về các quyền, trách nhiệm giữa bộ phận thực hiện chức năng Chủ đầu tư và bộ phận thực hiện nghiệp vụ quản lý dự án phù hợp với quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và pháp luật có liên quan. Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực.

Sử dụng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành/khu vực

6. Yêu cầu năng lực của Ban quản lý dự án và các bộ phận liên quan.

Tiêu chí Cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ Cấp Tỉnh, Thành phố Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước Thuộc UBND cấp huyện
Giám đốc quản lý dự án – Trình độ chuyên môn thuộc chuyên nghành xây dựng phù hợp– Có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án.
– Có chứng chỉ hành nghề thiết kế hoặc giám sát thi công hoặc đã là giám đốc quản lý dự án hay chỉ huy trưởng công trình tương ứng theo từng cấp hạng và yêu cầu của dự án (cụ thể tại Điều 54 – NĐ59/2015)
Chuyên viên Có chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy mô dự án, cấp công trình và công việc đảm nhận
Quy mô tổ chức Tối thiểu 20 (hai mươi) người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại dự án chuyên ngành Tối thiểu 10 (mười) người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại dự án chuyên ngành

7. Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực có làm “Tư vấn quản lý dự án” được không?
Khi có các Cơ quan, đơn vị muốn thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực để thực hiện công tác quản lý dự án của mình hoặc trường hợp Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực muốn có nhu cầu thực hiện làm tư vấn quản lý dự án thì theo quy định của Nghị định 59/2015/NĐ-CP, theo đó Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực được thực hiện tư vấn quản lý dự án cho các dự án khác trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án được giao, có đủ điều kiện về năng lực thực hiện (Khoản 5 – Điều 17 – NĐ 59/2015).
8. Trường hợp nào phải thuê Ban quản lý dự án khu vực, chuyên ngành để thực hiện công tác quản lý dự án?
– Dự án sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước mà Người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình làm Chủ đầu tư dự án thì Người quyết định đầu tư giao Chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định.
– Dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước thuộc cấp xã, phường, thị trấn mà nằm ngoài phạm vi cho phép Chủ đầu tư tự thực hiện công tác quản lý dự án.
9. Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực có được thuê Tư vấn quản lý dự án để phụ giúp thực hiện công tác quản lý dự án các dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước?
Trường hợp Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực không đủ điều kiện năng lực để thực hiện một số công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng thì được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại NĐ 59/2015 để thực hiện.
10. Vốn Nhà nước ngoài Ngân sách bao gồm những là vốn nào?
Theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP thì “Vốn Nhà nước ngoài Ngân sách là vốn Nhà nước theo quy định của Pháp luật nhưng không bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước”.
Theo quy định điểm 21, Điều 4 Luật Đầu tư công: Vốn đầu tư công gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
⇒ Suy ra, vốn Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước là các nguồn vốn Nhà nước theo quy định và không nằm trong dự toán ngân sách Nhà nước được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định, ví dụ như vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp,…

Phó phòng KTXD ThangLong – TDK – MB
Nguyễn Như Duẩn